Cây hương phụ dược liệu là một loại thảo dược có vị cay đắng, ngọt ít được sử dụng trong việc điều hòa kinh nguyệt, chữa đau bụng kinh, sa trực tràng,… Nhưng cũng có nhiều trường hợp không nên sử dụng vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy cây hương phụ có tác dụng gì?
1. Đặc điểm củ hương phụ
Hương phụ từ lâu đã được xem là thần dược đối với phái đẹp. Cây hương phụ có tác dụng gì trong Y Học Cổ Truyền? Hương phụ dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Y Học Cổ Truyền. Sở dĩ được xem là thần dược của phái đẹp bởi trong thành phần của cây hương phụ có nhiều tác dụng dược lý giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh,… đối với phụ nữ.
Thành phần cây hương phụ được sử dụng chủ yếu để bào chế dược liệu là củ hương phụ. Hương phụ có tên khoa học là Cyperus rotundus Linn và tên dược liệu là Rhizoma cyperi, ngoài ra, người Việt Nam cũng hay gọi cây hương phụ là cỏ cú, củ gấu, sa thảo, củ gấu vườn,…. thuộc họ Cói (Cyperaceae). Chi Cyperus thuộc họ Cói gồm hơn 700 loài, phân bố rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam chi Cyperus có khoảng 45 loài, mọc ở khắp nơi, nhưng trừ vùng núi cao hơn 2000m. Thường gặp nhất là mọc tập trung ven biển trên các bãi cát từ Móng Cái đến Hà tiên, hoặc mọc hoang ở trên đồng ruộng,… Ngoài Việt Nam, cây hương phụ còn có thể bắt gặp nhiều ở một số nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản. Hương phụ có một số đặc điểm sinh trưởng đặc biệt như:
- Đất trồng: Cây có thể phát triển mạnh mẽ ở trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất cát ven biển…
- Là loài cây ưa sáng, chịu nắng và hạn tốt.
- Cỏ cú là loài cỏ dại, bởi vì sự ảnh hưởng không tốt của nó đối với cây trồng. Ngoài ra, do khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, chỉ cần một mẩu rễ cũng có thể mọc thành cây hoàn chỉnh nên để tiêu diệt loài cỏ này thường rất khó khăn.
- Cây mọc ở vùng bờ biển, củ to dài và còn được gọi là hải Hương phụ.
- Thu hoạch: Sau khi thu hoạch bằng cách đào lên toàn cây, người ta sẽ đem phơi cho khô. Tiếp đến sẽ chất dược liệu thành đống rồi đốt để rễ con và lá cháy hết. Cuối cùng còn lại phần củ lấy riêng ra, rồi đem rửa sạch bụi bẩn, phơi hay sấy khô để sử dụng.
Hương phụ là cây cỏ sống lâu năm, chiều cao dao động từ 10 – 60 cm, thân rễ nằm dưới đất, phát triển thành củ hình thoi, dài từ 2 – 4 cm, đường kính từ 0,5 – 1 cm. Vỏ ngoài củ hương phụ có màu nâu thẫm hoặc nâu đen, nhiều đốt, trên đốt có lông, bên trong màu nâu nhạt, mùi thơm.
Cụm hoa ở đỉnh, phân bố tập trung, bông không đều và mỗi bông có trục nhẵn mang 3 – 20 bông nhỏ. Mỗi hoa mọc ở kẽ mỗi lá bắc gọi là vảy, hình trái xoan, có màu nâu đỏ. Đặc biệt, hoa không có tràng và đài hoa, nhị có 3 ô. Bao phấn hình dải, bầu thượng, 1 ô và 1 noãn. Vòi nhụy có hình dạng dài như sợi chỉ. Quả bế, màu đen hoặc xám đen, quả có 3 cạnh và bên trong quả có chứa 1 hạt. Ra hoa từ mùa hè tới mùa đông, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 7.
Như đã nói, nguồn dược liệu chính của cây hương phụ đến từ phần rễ cây hay còn gọi là củ. Khi sử dụng nên thu hoạch những củ to mập, chắc thơm, sạch lông, cắt ra có thịt hồng hào. Củ hương phụ sử dụng làm dược liệu thường có hình thoi dài, kích thước khoảng 2 x 1 cm. Bên ngoài, dược liệu sẽ có màu nâu đen, mang vết tích còn sót lại của rễ con và có lông cứng, nhiều đốt ngang. Mặt cắt ngang phần củ thể hiện lớp biểu bì mỏng và mô mầm có màu hồng nhạt.
Củ hương phụ có mùi thơm đặc trưng, nếm thấy vị hơi đắng. Sau khi thu hoạch, phần dược liệu cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, không mối mọt, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau khi bào chế chỉ nên sử dụng trong vòng tối đa 20 ngày vì để lâu sẽ mất tác dụng của vị thuốc này.
2. Tác dụng của hương phụ trong Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, hương phụ là dược liệu có vị cay đắng, ngọt ít, tính bình. Quy kinh: Kinh Can, Tam tiêu.
Công dụng: Làm giảm bực tức, khó chịu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau, tiêu đờm.
Cây hương phụ có tác dụng gì? Hương phụ dược liệu chủ trị: Đau, chướng bụng dưới, kinh nguyệt không đều,
Vị Hương phụ sử dụng các phương pháp sao tẩm khác nhau và có tính năng công dụng không giống nhau.
- Hương phụ sống (chưa qua chế biến) sẽ có tác dụng giải cảm.
- Hương phụ sao đen có tác dụng cầm máu ở trong trường hợp rong kinh.
- Hương phụ tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết.
- Hương phụ tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao, có tác dụng giáng hỏa ở trong chứng bốc nóng.
- Hương phụ tẩm giấm sao có tác dụng tiêu tích tụ chữa các trường hợp huyết ứ, u bầm.
- Hương phụ tẩm rượu sao có tác dụng tiêu đờm.
- Hương phụ tử chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) được dùng để chữa các chứng bệnh của phụ nữ.
Hương phụ là một vị thuốc được dùng khá phổ biến ở trong Y Học Cổ Truyền, với nhận định: “Nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ” có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới thì không thể thiếu Hương phụ.