Ngải diệp, hay còn được gọi là Ngải cứu, là loại cây được người Việt sử dụng phổ biến trong nấu ăn cũng như để làm thuốc. Ngải diệp có công dụng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với sức khỏe của phụ nữ.

Ngải diệp có tên khoa học là Artemisia vulgaris L., thuộc họ Asteraceae (Cúc). Tại Việt Nam, loài thảo dược này còn có các tên gọi khác như: Thuốc cứu, Nhả ngải, cỏ Linh ly, Quá sú, Ngỏi,… và phổ biến nhất là Ngải cứu.

Ngải diệp là cây thân thảo sống lâu năm và có chiều cao trung bình từ 40 – 100cm. Lá chẻ hình lông chim, mọc so le và hai mặt lá có màu khác nhau (mặt trên có màu xanh đậm và mặt dưới lá màu trắng có lông). Hoa Ngải diệp mọc ở đầu các cành và ngọn thân tạo thành chùm kép, có màu vàng lục nhạt, đầu mọc chúc xuống cùng phía. Quả Ngải diệp là dạng quả bế không có túm lông.

 Công dụng của Ngải diệp

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, ngải cứu có tính ấm, vị đắng, mùi thơm, quy vào ba kinh can, tỳ, thận, có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giúp giảm đau, cầm máu, hỗ trợ lưu thông khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, sát trùng.

Theo y học hiện đại

Mỗi cách bào chế Ngải cứu khác nhau sẽ cho tác dụng điều trị khác nhau.

Cao Ngải cứu có có tác dụng diệt ký sinh trùng, tẩy giun và trị côn trùng. Cao nước Ngải cứu được chứng minh kìm hãm hoặc ức chế sự phát triển của cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.

Tại Nhật Bản, kết quả thử nghiệm trên 56 bệnh nhân bị ngứa da được sử dụng gel Ngải cứu cho thấy có 67% số bệnh nhân hết viêm ngứa da, 56% bệnh nhân bị viêm da dị ứng khỏi bệnh, 73% bệnh nhân cao tuổi bị khô da được cải thiện và theo dõi không thấy phản ứng có hại xảy ra.

Trong Ngải cứu có chứa tinh dầu có hiệu lực kháng nấm Aspergillus flavus tới 67%, kháng một số vi sinh vật khác như Proteus vulgaris, Staphylococus aureus…

Nước sắc ngải cứu có tác dụng lợi tiểu. Ngải cứu có tác dụng ức chế giải phóng histamine và acetylcholine ở cơ trơn ruột, do đó làm giảm nhu động ruột khi thử nghiệm trên chuột lang.